Đau lưng (cấp tính hoặc mạn tính)
Đau lưng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất. Tin tốt là hầu hết mọi người đều cảm thấy đỡ hơn trong 1 tuần đến 2 tuần và hầu hết những người còn lại cảm thấy đỡ hơn trong 1 tháng đến 2 tháng. Hầu hết mọi người vẫn có thể hoạt động trong khi bị đau lưng

Những người bị đau mô tả triệu chứng đau đó khác nhau - không phải ai cũng đau giống nhau.
-
Đau có thể buốt, nhói đột ngột như bị dao đâm, đau nhức nhối, đau ê ẩm, chuột rút hoặc đau rát.
-
Vận động, đứng, cúi, nâng, ngồi hoặc đi bộ có thể làm cho đau trầm trọng hơn.
-
Đau có thể bị giới hạn ở 1 điểm hoặc ở một khu vực hoặc đau có thể có tính toàn thân hơn.
-
Đau có thể lan lên trên, ra trước, hoặc lan xuống cánh tay hoặc chân (đau thần kinh tọa).
-
Đau có thể gây co thắt cơ.
Phần lớn nguyên nhân gây đau là do các vấn đề cơ học ở cơ hoặc ở cột sống. Các vấn đề cơ học thường do tổn thương ở cơ hoặc ở dây chằng. Bệnh tật có thể gây đau lưng, nhưng đau lưng thường không phải do một căn bệnh nghiêm trọng gây ra. Các vấn đề cơ học bao gồm:
-
Hoạt động thể chất, chẳng hạn như thể thao, tập thể dục, làm việc hoặc hoạt động bình thường
-
Gắng sức quá mức, nâng, đẩy, kéo không đúng cách hoặc quá mạnh
-
Đột ngột xoắn, uốn cong hoặc kéo giãn do một tai nạn, hoặc vô tình di chuyển
-
Tư thế bất lợi
-
Kéo giãn hoặc di chuyển sai cách mà không nhận thấy đau tại thời điểm đó
-
Phối hợp kém, tập thể dục không thường xuyên (hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe về việc này)
-
Bệnh đĩa đệm cột sống hoặc viêm khớp cột sống
-
Căng thẳng
Đau cũng có thể liên quan đến thai kỳ hoặc bệnh tật, chẳng hạn như viêm ruột thừa, nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng thận, sỏi thận và nhiễm trùng vùng chậu.
Đau lưng cấp tính thường thuyên giảm trong 1 tuần đến 2 tuần. Đau lưng liên quan đến bệnh đĩa đệm, viêm khớp ở các khớp cột sống hoặc hẹp ống sống (hẹp cột sống) có thể trở thành mạn tính và kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Trừ khi quý vị bị chấn thương cơ thể, như là tai nạn xe hơi hoặc ngã, chụp X-quang thường không cần thiết để có đánh giá đầu tiên về đau lưng. Nếu đau vẫn tiếp tục và không đáp ứng với điều trị nội khoa, quý vị có thể cần chụp X-quang và làm các kiểm tra khác.
Chăm sóc tại nhà
Hãy thử làm theo lời khuyên về chăm sóc tại nhà này:
-
Khi nằm trên giường, hãy cố gắng tìm một tư thế thoải mái. Nệm cứng là tốt nhất. Thử nằm ngửa và để gối dưới đầu gối của quý vị. Quý vị cũng có thể thử nằm nghiêng, đầu gối gập lại về phía ngực và kẹp một chiếc gối giữa hai đầu gối.
-
Ban đầu, đừng cố gắng kéo giãn các chỗ đau. Nếu bị căng cơ, cảm giác này sẽ không giống như triệu chứng đau nhức dễ chịu khi quý vị tập thể dục mà không bị chấn thương. Trong trường hợp này, việc kéo giãn có thể khiến cho tình trạng đó trầm trọng hơn.
-
Không ngồi lâu, chẳng hạn như khi đi ô tô đường dài hoặc trong chuyến đi khác. Việc này gây nhiều căng thẳng lên phần thắt lưng hơn so với đứng hoặc đi bộ.
-
Trong vòng 24 giờ đến 72 giờ đầu tiên sau khi có thương tổn cấp tính hoặc có bùng phát đau lưng mạn tính, hãy chườm túi đá lạnh vào vùng bị đau trong 20 phút và sau đó bỏ túi chườm đá lạnh đó ra trong 20 phút. Thực hiện việc này trong khoảng thời gian từ 60 phút đến 90 phút hoặc vài lần mỗi ngày. Việc này sẽ làm giảm sưng và giảm đau. Bọc túi đá lạnh trong khăn mỏng hoặc túi ni lông để bảo vệ da của quý vị.
-
Quý vị có thể bắt đầu với chườm đá lạnh, sau đó chuyển sang chườm nóng. Chườm nóng (tắm nước nóng, bồn tắm nước nóng, hoặc đệm sưởi ấm) có tác dụng làm giảm đau và có tác dụng tốt trong điều trị co thắt cơ. Có thể chườm nóng vào vùng bị đau trong 20 phút sau đó bỏ ra trong 20 phút. Thực hiện việc này trong khoảng thời gian từ 60 phút đến 90 phút hoặc vài lần mỗi ngày. Không ngủ trên miếng chườm ấm. Miếng chườm đó có thể dẫn đến bỏng da hoặc tổn thương mô.
-
Quý vị có thể luân phiên dùng liệu pháp chườm đá lạnh và chườm nóng. Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về phương pháp điều trị tốt nhất cho đau lưng.
-
Liệu pháp xoa bóp có thể giúp thư giãn các cơ lưng mà không làm kéo giãn các cơ đó.
-
Hãy lưu ý đến các phương pháp nâng an toàn. Không nâng bất cứ thứ gì mà không kéo giãn trước.
-
Nếu triệu chứng đau của quý vị không dữ dội và chuyên gia chăm sóc sức khỏe đồng ý, hãy duy trì các hoạt động bình thường theo khả năng chịu đựng của quý vị
-
Nếu các triệu chứng của quý vị nặng và chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên quý vị nên nghỉ ngơi một thời gian, hãy cố gắng quay lại các hoạt động bình thường ngay khi các hoạt động đó được chấp thuận.
Thuốc
Hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng thuốc, đặc biệt là nếu quý vị có các vấn đề bệnh lý khác hoặc đang dùng các loại thuốc khác.
-
Quý vị có thể sử dụng thuốc không kê đơn theo chỉ dẫn trên lọ thuốc để kiểm soát đau, trừ khi được kê đơn một loại thuốc giảm đau khác. Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng những loại thuốc này nếu quý vị mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh gan hoặc bệnh thận, loét dạ dày hoặc chảy máu đường tiêu hóa. Ngoài ra, hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu quý vị dùng thuốc làm loãng máu. Dược sĩ là một người phù hợp nhất để quý vị đưa ra các thắc mắc về tương tác thuốc theo đơn và thuốc không kê đơn.
-
Hãy cẩn thận nếu quý vị được dùng thuốc kê đơn, thuốc gây nghiện hoặc thuốc điều trị co thắt cơ. Các loại thuốc này có thể gây buồn ngủ, ảnh hưởng đến khả năng phối hợp, phản xạ và khả năng phán đoán của quý vị. Không lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng.
Chăm sóc khi theo dõi
Theo dõi cùng với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc theo lời khuyên.
Nếu chụp X-quang, quý vị sẽ được cho biết về bất kỳ phát hiện mới nào có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho quý vị.
Gọi 911
Gọi 911 nếu bất kỳ tình trạng nào sau đây xảy ra:
-
Khó thở
-
Lú lẫn
-
Rất buồn ngủ hoặc khó thức dậy
-
Ngất hoặc mất ý thức
-
Nhịp tim nhanh hoặc rất chậm
-
Đại tiện hoặc tiểu tiện mất kiểm soát
Khi nào cần được tư vấn về y tế
Hãy gọi ngay cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu có bất kỳ tình trạng nào sau đây:
-
Đau trầm trọng hơn hoặc lan ra chân của quý vị
-
Thay đổi khả năng kiểm soát đại tiện hoặc tiểu tiện
-
Sốt
-
Máu trong nước tiểu của quý vị
-
Yếu hoặc tê ở 1 hoặc ở cả hai chân
-
Tê ở bẹn hoặc ở vùng sinh dục